Trao Đổi Kinh Nghiệm Ăn Chay Trường

Kinh nghiệm của độc giả Tâm NguyênTôi đọc bài “Ăn chay trường có tốt cho sức khỏe” thấy hay lắm. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì còn vài điểm nếu mình thực thi thêm thì chẳng những không bị cholesterol dẫn đến bị tim mạch và vì ăn nhiều tinh bột có thể bị mập phì, đó là ăn ít cơm, nếu có thể thì nên ăn cơm gạo lức, mỗi ngày một chén cơm thôi. Thay vào đó, ăn nhiều rau cải, légume, các loại đậu, mè. Tránh ăn đồ chiên xào, tốt nhất là luộc. Nhai mỗi ngày năm, mười hạt almond (loại hạt này làm bớt lượng mỡ trong máu và tăng good cholesterol là loại cholesterol mà cơ thể cần). Nếu có điều kiện hơn thì ăn thêm tàu hủ, vì đậu nành là loại làm giảm cholesterol. Tôi áp dụng như trên nên ăn chay mà không bị mập phì, lượng cholesterol bình thường mà làm việc không thấy mỏi mệt.Lại nữa, nếu có điều kiện, mỗi ngày nên đi bộ từ nửa tiếng đến một tiếng. Đó là lời khuyên của bác sĩ. Tôi nghĩ có lẽ kinh hành mà Phật dạy là giúp cho cơ thể vận động, lại được bình tâm.Tôi ăn chay mà thân hình không mập, lượng cholesterol điều hòa là nhờ phương pháp này. Tôi chia sẻ điều này cùng các bạn và họ đều đạt được kết quả. Mỗi ngày, nếu có thể, chúng ta nên uống thêm một viên dầu omega 3.Kinh nghiệm của độc giả Diệu Đông, HeidelbergĐứng về mặt Y khoa mà luận bàn thì xin thú thật tôi chẳng có ý kiến gì nhiều cả, kể ra thì các bài viết về đề tài “Ăn chay” trong mục Thảo Luận/Khoa học thường thức (website phatviet.net) mà các độc giả, bác sĩ chuyên môn đã nói, như thế cũng tạm đủ rồi. Vấn đề ăn chay là tùy theo từng cá nhân, mỗi người có cách ăn riêng, có những kinh nghiệm cá biệt. Có thể cách ăn chay của độc giả Tâm Nguyên hợp với ông và các bạn của ông. Ngay cả vấn đề cholesterol cũng tùy từng người, có người cũng ăn chay trường mà cholesterol vẫn cao, hỏi ra thì được biết là dùng nhiều pho mát quá; nhưng cũng có trường hợp có người không dùng nhiều các thực phẩm biến chế từ sữa mà cũng vẫn bị cholesterol cao, vì tự cơ thể họ có khuynh hướng sản xuất nhiều chất cholesterol.Tôi trường chay đã trên 13 năm rồi, không biết những người thân quen có thấy tôi “mập phì” không? Vì không ăn phi thời nên tôi cũng không nhai 5 hay 10 hột almond mỗi ngày. Tôi ăn rau cải, đậu, chiên có, xào có, ít khi luộc, nhưng thường là nấu canh. Mè và gạo lức thì tôi không ăn, mặc dù biết là tốt hơn gạo trắng đấy, vì có ăn nhiều cơm đâu. Một năm tôi chỉ ăn cơm ba tháng, thường ăn những thứ ngoài cơm như bánh mì, nouille, spagetti... nhưng trái cây thì ăn nhiều, vì thường xuyên cúng Phật, nhà đến bốn bàn thờ Phật nên trái cây rất nhiều. Thỉnh thoảng tôi cũng có ăn trứng (không có trống), trứng cũng có trong các loại bánh ngọt. Mỗi ngày tôi ăn Musli (bao gồm các loại hạt ngũ cốc) với một ít sữa... Có thể nói là hầu như tôi không chú trọng cho lắm về việc ăn chay, mặc dù trong gia đình có 3/4 số người ăn chay trường; tôi, cô con gái (23 tuổi, đang học Y, trường chay đã 5 năm nay), cậu con trai (21 tuổi, đang học Vật lý, trường chay đã trên 3 năm nay); còn chồng tôi (tức là 1/4 còn lại) thì ăn mặn, chỉ ăn chay kỳ thôi. Cho đến ngày hôm nay thì chúng tôi, kẻ chay người mặn chưa ai bị mập phì cả, cũng xin nói thêm là chúng tôi không ăn nhiều, có lẽ do thói quen; làm việc, học hành thì rất nhiều, hai đứa con trong nhà còn thêm phần thể thao và âm nhạc nữa. Chúng tôi cũng không dùng Omega 3, chắc chắn sẽ không dùng vì thuốc làm từ cá ra.Chúng tôi ăn chay trường không vì vấn đề sức khỏe mà để phát triển từ bi tâm, đây mới là động cơ chính; cho nên việc ăn chay không mấy khi chú ý đến, cứ cái gì tổn hại đến mạng sống của chúng sanh thì không ăn; thậm chí ngay cả kẹo bánh mà có chất Gelatine cũng không dùng đến, cho nên khi mua Pudding, kẹo dai, bánh ngọt đều phải “kiểm soát” lại xem có Gelatine không rồi mới mua. Đương nhiên là chúng tôi cũng có nghĩ đến vấn đề dinh dưỡng, cho nên nguồn Protein chính vẫn là đậu hủ và những sản phẩm làm từ đậu nành. Ở Âu châu, bây giờ họ cũng ăn chay nhiều (vì vấn đề sức khỏe) cho nên họ cũng biến chế rất nhiều các món ăn chay làm từ đậu nành rất là hấp dẫn theo đủ mọi khẩu vị, Âu có, Á có v.v... (Từ ngày có BSE, dịch heo, dịch gà... vô hình chung các chúng sanh này tạo nhân duyên cho dân Âu ăn chay!)Thế ta đặt vấn đề ăn chay ở đây để làm gì? Để giữ gìn sức khỏe thì xin miễn bàn thêm, đương nhiên sức khỏe là cần thiết cho cuộc sống, điều đó không ai chối cãi cả, nhưng có sức khỏe để làm gì? Vì trước sau gì có sức khỏe hay không có sức khỏe cũng đều chết cả, đôi khi có nhiều sức khỏe quá mà chết sớm thì lại còn tiếc nuối nhiều hơn nữa. Làm gì đây? Thôi thì hãy dùng cái sức khỏe đó tùy duyên mà phụng sự cho nhân loại, cho pháp giới chúng sanh, đây cũng là một cách sử dụng và đầu tư sức khỏe, còn phụng sự thế nào thì lại là một đề tài khác, không bàn thêm ở đây. Còn muốn tránh mập phì thì phải ý thức rằng: tất cả đều do ăn mà ra, ăn ít chẳng thể nào mập được, cứ xem gương của Ôn Tuệ Sỹ thì rõ, nguyên tắc là hễ cho vào cơ thể nhiều hơn sự cần thiết của nó thì sẽ bị lên cân, cái gì nhiều quá sẽ dư. Ăn là một trong năm món dục, đã là con người bình thường thì phải ăn mới sống được. Nhưng con người ngày nay không tránh khỏi sự chi phối của vật thực được cung cấp đa dạng ở thị trường tiêu thụ. Các món ăn thì thiên hình vạn trạng, cả một nền kinh tế riêng biệt chỉ tập trung để nghiên cứu chế biến các thực phẩm đủ mọi khẩu vị, đủ mọi hình thức, đủ mọi chất liệu. Vì vấn đề cạnh tranh trong thị trường buôn bán mà các món ăn, thức uống được biến chế không ngừng nghỉ, hôm nay vị này, ngày mai vị nọ, sự ăn uống được phụng sự tối đa, kẻ mua người bán đã thỏa thuận với nhau từ muôn thuở rồi.Đa phần những thuốc men được chế tạo là để trị các bệnh phát xuất từ việc ăn uống mà ra; trên 80% bệnh tật là do ăn uống sai, không điều độ, ăn cho khoái khẩu, ăn cho đến phát bệnh rồi để chết. Thế nhưng người ta vẫn tiếp tục đi tìm kiếm thêm các món ăn mới, “món ngon vật lạ” bệnh cứ thế từ miệng mà vào (bệnh tùng khẩu nhập), cũng may là người ta chỉ có một cái miệng mà thôi.Người chay tịnh để phát triển từ bi tâm thường tiết chế được thực dục, ăn chỉ để nuôi sống cơ thể tránh sự khô gầy, hay bước lên một bậc nữa là vì đạo nghiệp mà ăn (ngũ quán) thì chẳng mấy khi mập phì về mặt hình tướng; trừ khi là có bệnh gì trước đó, bệnh nào thì cũng từ nghiệp mà ra do đó cũng chẳng cần thắc mắc làm gì. Người Phật tử trong đời sống hàng ngày, nên thường xuyên lạy Phật, vì người mà sám hối cũng khó mập phì được, công đức lại có phần tăng trưởng, còn gì hạnh phúc bằng? Nói chung, nếu biết sử dụng thân người khó được này như lý tác ý, để lợi mình lợi người thì không uổng một kiếp nhân sinh, chuyện mập ốm chẳng quan trọng gì.