Tâm Bình Thế Giới Bình Thì Thế Giới Bình, Tâm Bình Thế Giới Bình

Câu hỏi của trẻ em: Làm thế nào để con không đau khổ khi thấy những người không dễ thương đối với thế giới này?


Thầy trả lời: Trong cuộc sống, có những người tốt, nhưng cũng có những người chưa tốt. Có những người dễ thương và có những người chưa dễ thương. Có những cái tích cực và cũng có những cái tiêu cực. Đời sống là như vậy: có bùn và có sen. Không có bùn thì sen không mọc lên được. Vì vậy sự có mặt của khổ đau là một chuyện rất bình thường. Vấn đề không phải là khổ đau nên có mặt hay không nên có mặt, mà là làm thế nào để không bị đắm chìm trong khổ đau, biết khéo léo sử dụng khổ đau để làm nên hạnh phúc.

Bạn đang xem: Tâm Bình Thế Giới Bình Thì Thế Giới Bình, Tâm Bình Thế Giới Bình

Nếu nhìn sâu vào những người đang tàn hại thế giới, đang giết chóc hay đang tàn phá thì mình thấy có thể là những người đó không muốn giết chóc hay tàn phá. Nhưng vì họ có quá nhiều đau khổ, quá nhiều giận dữ trong tâm mà không biết cách xử lý, nên họ bị thúc đẩy làm những chuyện mà có thể họ không muốn làm. Ai trong chúng ta cũng đều có lúc hành xử như vậy: mình biết đó là chuyện xấu nhưng mình vẫn làm như thường để rồi sau đó cảm thấy ân hận. Chúng ta hiểu là những người kia cũng rơi vào trong hoàn cảnh đó. Họ không muốn làm như vậy, nhưng vì trong lòng họ có quá nhiều bạo động và hận thù nên họ không cưỡng lại được.

Vấn đề không phải là trừng phạt mà là làm thế nào để giúp cho người kia chuyển hóa khổ đau và sự giận dữ trong họ. Thế nào cũng có những phương thức khác nhau để giúp. Nếu dùng súng bắn hay bắt bỏ tù người kia thì mình không giúp gì được cho họ, tại vì đó là những cách thức để trừng phạt.

Nếu những người lãnh đạo trong các trại giam biết thực tập thì họ sẽ không sử dụng phương pháp giam cầm để trừng phạt, mà sẽ sử dụng những phương tiện của trại cải huấn để giúp cho tù nhân thực tập và chuyển hóa. Nếu những người cai tù biết tập thở có chánh niệm để chuyển hóa sự giận dữ trong lòng thì họ có thể giúp cho tù nhân cũng làm được như vậy. Nhiều lúc mình phải bắt giam người kia để họ không tiếp tục sát hại và tàn phá. Nhưng mình bắt giam vì từ bi, chứ không phải vì giận dữ. Khi bắt giam người kia mình nói với họ là mình bị bắt buộc phải làm như vậy, nhưng mình muốn họ hợp tác với mình để thực tập thở có chánh niệm, làm êm dịu sự giận dữ, nhìn sự việc một cách bình tĩnh hơn và làm phát khởi lòng từ bi. Nếu làm được như vậy, họ có thể sớm được trả tự do. Nếu ban quản lý trại giam biết thực tập thì họ sẽ giúp cho tù nhân chuyển hóa và được trả tự do sớm hơn.

Có rất nhiều người đang làm những việc gây ra nhiều đau khổ cho thế giới. Nhưng thay vì giận ghét họ thì mình có thể phát khởi lòng từ bi, để cho tình thương lớn lên trong tâm mình, và mình lập lời nguyện là mình sẽ tìm ra con đường để giúp cho những người đó chuyển hóa được giận dữ và bạo động để họ đừng tiếp tục làm khổ những người khác nữa.

Nếu trong lòng mình có ước muốn giúp đỡ người khác thì mình đích thực là một vị Bồ tát, là một vị Bụt, dù là tuổi mình còn rất nhỏ. Chúng ta hiện có rất nhiều vị Bồ tát trẻ trên thế giới.

*

Câu hỏi: Chúng ta phải làm thế nào để giúp đem lại hòa bình cho thế giới?

Thầy trả lời: Chúng ta phải bắt đầu từ chính tự thân. Chúng ta phải học làm thế nào để chính ta là sự bình an. Ta phải làm cho thân, cảm thọ, tri giác và cách ta suy nghĩ, nói năng cũng có bình an. Nếu ta biết cách làm thì ta sẽ tạo cảm hứng cho người khác cũng làm được như vậy. Và thế giới sẽ được bình an.

Nếu có nhiều căng thẳng, đau nhức trong thân thì ta sẽ không có bình an. Vì vậy ta phải thực tập để làm thư giãn sự căng thẳng và làm dịu đi sự đau nhức trong thân thì ta sẽ có nhiều bình an hơn.

Nếu trong ta có những cảm thọ không bình an như giận dữ, sợ hãi hay bạo động mà ta biết cách thực tập như sử dụng hơi thở hay bước chân để làm lắng dịu những cảm xúc đó thì ta sẽ có bình an. Chúng ta phải ăn uống như thế nào để thân ta không bị xáo trộn. Chúng ta chỉ nên đọc sách, tạp chí hay xem những phim ảnh không tưới tẩm hạt giống của bạo động, sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng trong ta. Đó là sự thực tập hòa bình. Chúng ta phải rất cẩn thận trong khi tiêu thụ! Ta không nên tiêu thụ những gì có yếu tố bạo động; những trò chơi điện tử, sách báo hay phim ảnh có thể chứa nhiều bạo động, giận dữ, căm thù trong đó. Nếu mình tiêu thụ những cái đó mỗi ngày thì mình sẽ không có bình an trong lòng. Và như vậy thì thế giới sẽ không còn hy vọng. Trước tiên chúng ta phải thực tập có bình an để thế giới có được bình an. Vì vậy chúng ta có câu: “Tâm bình, thế giới bình”.


Câu hỏi: Thưa thầy, chúng ta có nên dùng thân mình làm lá chắn (human shield) để thức tỉnh, để ngăn chặn chiến tranh và bạo động trên thế giới?

Thầy trả lời: Tốt hơn cả là mình nên trở thành những tấm gương để người khác noi theo. Mình xây dựng một đoàn thể trong đó có bình an, có tình huynh đệ. Đoàn thể của mình thể hiện được hòa bình và tình huynh đệ thật sự. Mình tiêu thụ như thế nào để có thể bảo vệ được môi trường.

Mình nói và nghe như thế nào để không có sự chia rẽ và giận dữ trong đoàn thể. Mình sống một cách đơn giản mà hạnh phúc. Tôi nghĩ đó là phương pháp xây dựng hòa bình có tác dụng nhất, tại vì mình cho người khác thấy rằng hạnh phúc có thể có được mà không cần phải có nhiều tiền hay nhiều vũ khí, những thứ mà người ta cho là cần thiết để sống còn. Đoàn thể của mình lành mạnh, lành mạnh cho mình và lành mạnh cho thế giới. Chúng ta sống như thế nào để có một tương lai.

Chúng ta tạo cảm hứng cho những người khác tới quan sát và học hỏi nơi đoàn thể của chúng ta. Họ đang chạy theo danh vọng, quyền hành, tiền bạc và sắc dục nhưng họ không có hạnh phúc. Những thứ đó tàn hại thân và tâm của họ, tàn hại môi trường, tạo nên nhiều giận dữ và bạo động trong xã hội. Khi thấy lối sống của chúng ta, họ sẽ thức tỉnh và thay đổi. Lối sống của mình, đoàn thể của mình là một bài pháp thoại cho họ. Với một đoàn thể như vậy chúng ta có thể thực tập giáo dục hòa bình. Chúng ta có thể tới nhiều nơi để chia sẻ với những người khác một cách cụ thể rằng: đây là lối sống để có được hạnh phúc mà không cần phải tạo ra bạo động, giận dữ và thèm khát trên thế giới. Mình có thể giúp để xây dựng nên những đoàn thể như thế.

Xem thêm: tại sao các nst phải co xoắn tối đa trước khi bước vào kì sau

Chúng ta phải xây dựng hàng chục đoàn thể như vậy. Thật ra ở Làng Mai chúng tôi đang làm công việc đó. Bắt đầu từ một đoàn thể thực tập chánh niệm, chúng tôi thành lập thêm một cái, rồi một cái nữa… Chúng tôi tổ chức những khóa tu ở những trung tâm tu tập. Người ta tới với chúng tôi để thực tập con đường hòa bình, thực tập sống đời sống giản dị và có chánh niệm. Sau đó họ trở về nhà và lập tăng thân. Hàng ngàn tăng thân đã được thành lập bởi những thiền sinh, và công việc đó đang tiếp tục lan rộng. Đó là con đường hoàn toàn bất bạo động. Chúng ta không cần dùng cái chết để có thể gởi thông điệp đến với mọi người. Trái lại chúng ta cần phải sống để tiếp tục công việc. Mình có thể vào tù và tiếp tục chống đối. Nhưng chống đối không phải là cách hay nhất. Dù có chống đối mạnh mẽ đi nữa thì mình cũng không giúp được cho người khác chuyển hóa được sự sợ hãi, sự giận dữ, sự thèm khát của họ. Chỉ cho họ một con đường bằng một cách thức thật dễ thương cùng với sử dụng ái ngữ và lắng nghe thì mình mới có thể giúp cho họ thức tỉnh để họ chọn con đường khác thay vì đi theo con đường cũ của bạo động, chia rẽ và kỳ thị. Đó là hành động thật sự chứ không hề thụ động như nhiều người nghĩ.


Vì vậy xây dựng tăng thân, sống theo Năm giới, thực tập tiêu thụ có ý thức, thành lập những gia đình, những đoàn thể có hạnh phúc và giúp cho những người khác cũng làm được như vậy là phương pháp đem lại hòa bình cho thế giới.

Mình tập viết một lá “thư tình” thay vì viết một lá thư chống đối. Ví dụ như mình muốn viết thư cho ông dân biểu hay cho ông Tổng thống của mình, nếu mình viết một lá thư chống đối thì ông ta sẽ không thay đổi gì đâu. Nhưng nếu mình viết một lá thư tình nói rằng: “Kính thưa Tổng thống, kính thưa ông dân biểu, chúng tôi biết ông có rất nhiều khó khăn và đau khổ. Ông muốn thực hiện giấc mơ của mình để giúp cho dân, cho nước. Nhưng ông không thể làm được, chúng tôi hiểu, nên chúng tôi xin đề nghị vài điều…”. Trong bức thư, mình giúp cho ông ta nhận diện được sự sợ hãi, sự giận dữ, sự thèm khát trong ông. Những cái đó đã ngăn không cho ông thực hiện được giấc mơ của ông. Khi đọc lá thư, ông ta có thể nhờ vào tuệ giác trong đó mà chuyển hóa. Nếu mình chỉ biết viết một lá thư chống đối thì nó sẽ không có được tác dụng như vậy. Mình phải học cách viết một lá thư tình để giúp cho người kia hiểu được chính họ và thay đổi. Đó là vận động hòa bình.

*

Câu hỏi: Bạch Thầy, có trường hợp ngoại lệ nào mà chúng ta có thể sử dụng bạo lực để đối phó lại bạo lực hay không? Chẳng hạn khi đứng trước bạo lực thái quá như là nạn diệt chủng?

Thầy trả lời: Bất bạo động không phải là một kỹ thuật mà là một con đường (Non-violence action is not a technique, it is a way). Nền tảng của bất bạo động là sự hiểu biết và lòng từ bi. Có hiểu biết và từ bi trong tâm thì tất cả những gì mình làm đều là bất bạo động.

Ví dụ như có một người đang có hành vi giết hại hay phạm tội, mình bắt giam người đó. Hành động bắt giam người đó được coi là hành động bạo lực hay không bạo lực, điều đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu mình bắt giam người đó với sự hiểu biết và thương yêu thì đó là một hành động không có bạo lực. Nếu mình không làm gì cả nhưng lại để người khác giết hại và tàn phá thì đó cũng là bạo lực. Bạo lực có thể là khi mình hành động hoặc ngay cả khi mình không làm gì cả.

Có những hành động, nếu nhìn bên ngoài thì nó có vẻ là bạo lực, nhưng nếu mình làm với sự hiểu biết và từ bi thì nó không phải là bạo lực thật sự. Ví dụ như có một con ngựa đang rất đau đớn, nó sắp chết mà không chết được. Mình cho nó một phát ân huệ để nó được chết. Việc làm này có vẻ như là bạo lực, nhưng mình làm vì lòng từ bi, mình không muốn con ngựa tiếp tục chịu đau đớn lâu hơn nữa.

Một hành động có bạo lực hay không là tùy ở trái tim của mình. Nếu mình có ý muốn làm giảm bớt khổ đau, nếu mình hiểu tại sao người kia bạo động như vậy thì ngay cả khi mình bắt giam người kia hay mình không cho người đó thức ăn trong một vài ngày thì đó cũng chưa phải là bạo lực. Không cho người kia thức ăn trong vài ngày có thể giúp người kia nhận ra rằng có được thức ăn là một cái gì thật tuyệt vời. Mình không có ý muốn trừng phạt mà chỉ giúp người kia đi đến một cái thấy và trân quí những gì mình thọ nhận. Đó không phải là bạo lực.

Mình đừng chờ tới khi xảy ra tình huống rồi mới quyết định là nên sử dụng bạo lực hay không nên sử dụng bạo lực. Mình phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, và khi sự việc xảy ra thì mình có khả năng hành động với lòng từ bi, tức là hành động trong tinh thần bất bạo động.

Tinh thần bất bạo động phải được xây dựng một cách lâu dài. Các bậc phụ huynh khi giáo dục con cái, chỉ cho con cách thức suy nghĩ và hành động thì mình phải làm trong tinh thần bất bạo động. Mình không chờ tới khi đứa con lớn lên đi giết hại và tàn phá rồi mới bắt đầu dạy dỗ nó. Mình phải có những biện pháp ngăn ngừa trước. Mình có thể đưa lối suy nghĩ bất bạo động và cách hành xử bất bạo động vào trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa hay nghệ thuật. Chỉ cho người ta cách thức lấy đi sự kỳ thị là căn bản của bất bạo động, tại vì bạo lực bắt nguồn từ sự kỳ thị, chia rẽ, hận thù, giận dữ và sợ hãi. Mình giúp cho người ta chuyển hóa những thứ tiêu cực đó trước khi chúng được biến thành hành động, đó là bất bạo động thật sự. Mình phải bắt đầu ngay từ bây giờ mà không đợi đến khi sự việc xảy ra mới bắt đầu suy nghĩ là nên dùng bạo lực hay không nên dùng bạo lực.


Tôi nghĩ rằng chúng ta không thể nào có được bất bạo động tuyệt đối. Mình chỉ có thể nói là mình cố gắng để càng ít bạo động càng tốt. Ví dụ như trong quân đội, mình nghĩ quân đội chỉ toàn sử dụng bạo động, nhưng quân đội phải được điều động để bảo vệ thành trì hoặc để ngăn chặn sự xâm lấn của nước khác. Có nhiều cách để hành động, có cách dùng nhiều bạo lực và có cách dùng ít bạo lực hơn. Mình luôn luôn có sự chọn lựa. Có thể là mình không sử dụng được bất bạo động 100 %, nhưng làm được 80% vẫn là tốt hơn 10%. Mình đừng đòi hỏi cái tuyệt đối. Đó cũng là cách thức chúng ta thực tập Năm giới. Mình không thể nào thực tập một cách hoàn hảo. Đừng lo là mình không giữ được Mười bốn giới hay Năm giới một cách hoàn hảo. Điều quan trọng là mình quyết tâm đi theo con đường đó. Cái cần thiết là mình phải cố gắng hết sức. Cũng giống như khi đi lạc trong rừng ban đêm và không tìm được lối ra thì mình phải đi theo hướng sao Bắc Đẩu để tìm đường ra. Đi theo hướng Bắc không có nghĩa là mình đi tới sao Bắc Đẩu. Mình không cần tới đó, mình chỉ cần đi theo hướng Bắc. Thực tập Năm giới cũng vậy, mình chỉ cần đi theo hướng của hiểu và thương. Mình không cần phải trở nên hoàn hảo. Mình cố gắng hết sức mình, như vậy đã là đủ tốt cho tăng thân, đủ tốt cho Bụt rồi. Bất bạo động cũng vậy, mình phải cố gắng hết sức mình thôi.

Xem thêm: chứng minh văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có

Câu hỏi: Bạch Thầy, con rất muốn cập nhật những sự kiện xảy ra trên thế giới. Nhưng khi theo dõi tin tức hàng ngày, những hạt giống tuyệt vọng và bất lực trong con bị tưới tẩm rất mạnh. Con nên thực tập như thế nào để xem tin tức nhưng vẫn bảo hộ được mình?

Thầy trả lời: Đừng nghe tin tức nhiều quá! Tại sao phải nghe tin tức nhiều lần trong ngày? Khi có một tin gì thực sự quan trọng, chắc chắn sẽ có người báo cho mình biết.

Có thể vì trong tâm mình có sự cô đơn, trống trải nên mình cần biết những gì đang diễn ra trên thế giới với hy vọng là có một việc tốt xảy ra. Nhưng sự thật thì tin tức hầu hết đều nói về những điều không tốt. Hàng ngày chúng ta nghe tin tức nói về giết chóc, chiến tranh, bạo động. Không riêng những nhà báo thôi, mà có rất nhiều người chỉ toàn loan tin xấu. Vì vậy chúng ta đừng nên nghe tin tức nhiều quá mà nên dành nhiều thì giờ hơn để chế tác bình an và từ bi trong ta.