Kinh Vu Lan Báo Hiếu Cha Mẹ

Đối với mỗi người con của Phật, tháng Bảy Âm lịch là mùa Vu Lan báo hiếu. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam, đã gặp mảnh đất màu mỡ, đó là những giá trị văn hóa ngàn đời của người Việt Nam. Những giá trị của bề dày và chiều sâu văn hóa Việt Nam lại gần gũi với tư tưởng của đạo Phật, vậy nên Phật giáo ăn sâu bén rễ trong lòng dân tộc. Một trong lễ lớn trong năm của Phật giáo là tháng Bảy, mùa Vu Lan báo hiếu.
Cùng với tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên là một trong 2 đệ tử hàng đầu của Phật Thích ca. Tôn giả Mục Kiền Liên được Đức Phật giao trọng trách Thống Lĩnh Tăng Đoàn sau khi Ngài chứng A La Hán, quả vị cuối cùng trong Tứ Thánh Quả. Đến Mục Kiền Liên, ngài cũng đắc quả A La Hán và trở thành nổi tiếng là bậc "Thần thông đệ nhất" trong hành Thanh văn đệ tử của Đức Phật. Theo kinh Vu Lan thì Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Khi ấy mẹ ngài là bà Thanh Đề đã qua đời nên ngài tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ của mình như thế nào. Mục Kiền Liên dùng phép thần thông nhìn thấu suốt đất trời và ngài thấy mẹ của mình bị đọa làm ngạ quỷ vô cùng đói khát khổ sở. Nguyên mẹ ngài, vốn gây nhiều ác nghiệp nên khi chết đi đã bị quả báo. Thấy mẹ đói khát khổ sở, ngài đã dùng thần thông đem cơm xuống tận địa ngục dâng cho mẹ mình. Vì lửa tham nổi lên thiêu đốt, bà Thanh Đề, mỗi khi đưa thức ăn gần tới miệng thì thức ăn ấy liền biến thành lửa đỏ. Cũng theo kinh Vu Lan Bồn, Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ của mình, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Câu chuyện cảm động về người con hiếu hạnh Mục Kiền Liên đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận suốt mấy nghìn năm qua. Phật giáo truyền đến đâu, thì cùng với tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha, những người con của Đức Phật noi theo tấm gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên để luôn luôn sống đúng với hiếu hạnh của những người con hiếu hạnh. Rằm tháng Bảy, những ngôi chùa theo Phật giáo Bắc tông tổ chức lễ Vu Lan có nghi thức bông hồng cài áo. Những ai may mắn còn cả cha cả mẹ sẽ sung sướng được cài lên ngực áo bông hồng màu đỏ. Những ai mất cha còn mẹ thì cài hoa hồng đỏ có một lá xanh. Những ai không may mất mẹ còn cha thì cài hoa hồng trắng có một lá xanh. Còn, những ai mất cả cha và mẹ thì cài hoa hồng trắng không có lá. Bởi vậy cho nên những ai may mắn còn cả cha mẹ sẽ tự hào nhìn vào bông hồng màu đỏ ở ngực để rồi yêu cha mẹ mình nhiều hơn. Những ai không may mắn khi không còn có mẹ, có cha sẽ nhìn vào màu của bông hồng cài trên ngực áo để thổn thức, để nhớ thương. Những giọt nước mắt nhớ thương cha mẹ đã qua đời ướt đẫm khuôn mặt sẽ có tác dụng như những giọt nước rửa sạch tâm hồn để cho tâm hồn con người trong trẻo hơn, nhân hậu hơn. Vậy nên, nhưng ai có may mắn biết đến một ngôi chùa nào đó xin đừng bỏ lỡ ngày lễ Vu Lan. Đến đó, hòa mình trong mùi hương trầm phảng phất linh thiêng, ta sẽ được sống trong nhiều cung bậc cảm xúc, trong đó có cung bậc cảm xúc dạt dào của yêu thương, của lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục.
“Mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp một như đường mía lau” (Khuyết danh). Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng cảm xúc trong “Bông hồng cài áo”: “Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên... Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ... Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ”.
“Ðóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.!" (Thích Nhất Hạnh). Còn những ai mất mẹ, mất cha, mùa Vu Lan nhớ mẹ cha sẽ sống tốt hơn, sống có ích hơn để những người đã ra đi mãi được yên lòng. Và, “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không...”. Một mùa Vu Lan nữa lại về, xin cầu chúc cho tất cả mỗi người có một mùa Vu Lan an lành và hạnh phúc.