Vật Lý Học Trả Lời Câu Hỏi: Con Gà Và Quả Trứng Có Trước? Đáp Án Của Các Nhà Khoa Học: Gà Có Trước Trứng!

Suốt nhiều thế kỷ qua, câu hỏi “Con gà có trước hay quả trứng có trước” vẫn là một bí ẩn đối với các nhà triết học cũng như các nhà khoa học trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học Anh Quốc khẳng định họ đã tìm ra đáp án cuối cùng cho câu hỏi này. Con gà có trước quả trứng.

Lý do phát biểu như vậy là do họ đã tìm thấy một chất protein quan trọng có tên là Ovocledidin-17 hay OC-17, là chất có khả năng biến canxi cacbonat thành các tinh thể canxit, nguyên liệu tạo nên vỏ trứng. Chất này cũng chỉ được tìm thấy trong buồng trứng của những con gà mái. Vì thế, họ đi đến kết luận: Trước khi hiện hữu trong thực tế, quả trứng phải ở bên trong con gà. Tiến sỹ Colin Freeman, thuộc trường Đại học Sheffield nói: “Trong một thời gian dài nhiều người đã nghĩ rằng quả trứng có trước. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đã có những bằng chứng khoa học để khẳng định rằng, trên thực tế, con gà có trước quả trứng”.

Bạn đang xem: Vật Lý Học Trả Lời Câu Hỏi: Con Gà Và Quả Trứng Có Trước? Đáp Án Của Các Nhà Khoa Học: Gà Có Trước Trứng!

Thường thì những gì khoa học đã giải đáp, ta rất có lòng tin. Vì khoa học là thực nghiệm. Nhưng cũng chính từ khoa học mà ta từng có khá nhiều đáp án cho một câu hỏi. Chúng ra đời theo sự tiến hóa của khoa học và thường thì câu trả lời sau mang tính phủ định câu trả lời trước. Như từng có thời cà phê được đánh giá là tốt cho sức khỏe con người, nhưng sau đó cà phê được cho là có giá trị ngược lại. Vì sao có việc ấy? Vì kết luận của khoa học không dựa vào lý tánh để nói mà dựa vào tính qui nạp các hiện tượng xuất hiện trong thực tế mà kết luận. Do qui nạp các thực nghiệm mà chúng ta có các giá trị kết luận tương ưng. Song cái gọi là “thực tế” ấy lại khá muôn màu muôn vẻ, nên kết quả trở thành nhiều, tùy theo cái duyên mà các nhà khoa học đã qui nạp.

Với cái nhìn của Phật học, việc có những câu trả lời nghịch lại như thế, không có gì ngạc nhiên. Vì mọi thứ lệ thuộc vào duyên. Mà duyên thì rơi vào nhị biên phân biệt. Ít nhất là có hai mặt đối nghịch cho một vấn đề, mà với cái nhìn của Phật học, chính mặt đối nghịch đó là thế giúp các cặp nhị biên hiện khởi và tồn tại. Như Phật và chúng sinh, đạo và đời, xấu và đẹp, trước và sau v.v…

Pháp, nếu đứng ở mặt bản thể mà nói thì nó không xấu, không tốt, không trước, không sau v.v... như Tâm Kinh Bát-nhã nói: “Tướng không của pháp không sinh không diệt, không tăng không giảm…”. Nhưng một khi pháp đã được đánh giá là “tốt”, tức pháp được nói đến ở mặt hiện tượng, là mặt tùy duyên của pháp, thì giá trị “xấu” cũng đã xuất hiện. Chỉ là với cái nhìn hạn cuộc của nghiệp thức chúng sinh, ta không nhận thấy được cùng lúc giá trị ngược lại đó, mà phải chờ đủ duyên mới thấy. Như Công Đức Thiên đi liền với Hắc Ám. Công Đức Thiên tới đâu thì châu báu theo tới đó. Hắc Ám tới đâu thì hao tài tốn của cũng theo sau. Người nào muốn nhận Công Đức Thiên thì phải nhận luôn Hắc Ám. Không thể chỉ nhận Công Đức Thiên mà xua đuổi Hắc Ám. Cũng như đã tham luyến sinh tử, dù là sinh cõi Trời, thì ít nhiều gì cũng phải chịu khổ hoạn. Bởi ở cõi Trời, không còn điều kiện gieo thiện nhân thì khi phước hết, rơi trở vào nhân gian. Khổ vui là những hiện tượng được hình thành từ sự đối đãi, như người đời thường nói: “Nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột”, cái vui ở cõi Trời là nền tảng để cái vui ở thế gian cũng trở thành khổ. Cho nên, không thể chọn sinh mà không tử. Cũng không thể chọn sinh tử mà không có ít nhiều khổ hoạn.


“Trước” và “sau” cũng vậy, khi đã nói đến “trước” thì cũng đồng nghĩa cái “sau” đã xuất hiện. Con gà được kết luận có trước trứng thì cũng có nghĩa là nó đồng thời có sau trứng. Chúng ta tìm thấy chất tạo ra vỏ trứng trong những con gà mái để kết luận gà có trước trứng thì cũng có thể nói gà có sau trứng vì đã tìm thấy nguyên phôi thai gà trong quả trứng.

Với cái nhìn của Phật học, những gì thuộc hiện tượng thì không mang tính phổ quát, vì thế không có giá trị khẳng định cho mọi trường hợp. Chúng ta chỉ có thể khẳng định giá trị của pháp trong một duyên nào đó mà thôi. Nghĩa là khi ta nói xấu, nói tốt, nói trước, nói sau thì giá trị ấy không mang tính toàn bộ để có thể khẳng định. Việc khẳng định chỉ tồn tại trong duyên (điều kiện, trường hợp) mà thôi.

Xem thêm: đường lối cách mạng của đảng cộng sản việt nam pdf

Con gà và quả trứng, với cái nhìn của Phật học, không thể khẳng định gà có trước hay trứng có trước. Vì một khi đã khẳng định, cũng có nghĩa là ta đã gắn cho chúng một giá trị phổ quát mang tính chính xác mọi lúc và mọi nơi. Không bao giờ có một giá trị khẳng định phổ quát cho các pháp ở thế giới này. Bởi cái có thể phổ quát thì “không”, không tướng, không có ngôn từ cũng không có giá trị nào có thể nói về nó. Cái có giá trị để khẳng định thì chỉ tồn tại ở mặt hiện tượng. Song hiện tượng thì theo duyên. Duyên thay đổi thì pháp thay đổi, giá trị của pháp cũng theo đó mà thay đổi. Không thể có một giá trị phổ quát để khẳng định. Chúng ta chỉ có thể nói trong cái duyên gà đẻ ra trứng thì gà có trước. Trong cái duyên trứng cho ra gà thì trứng có trước. Giá trị trong duyên là như vậy, không mang tính phổ quát để có thể khẳng định gà luôn có trước hay trứng luôn có trước.

Khi các nhà khoa học tìm thấy chất tạo ra vỏ trứng trong gà thì cũng có nghĩa là họ đã mặc nhiên công nhận gà có trước. Với tiền đề đó, họ đi tìm những bằng chứng để kết luận gà có trước. Nghĩa là, họ đã đi tìm một kết luận mà kết luận đó đã được lấy làm tiền đề cho việc luận lý. Giả như không lấy gà ra nghiên cứu mà lấy trứng sắp nở ra nghiên cứu, thì sẽ thấy nguyên phôi gà có trong quả trứng. Trong trường hợp này, trứng đã được mặc định là có trước, rồi đi đến kết luận là trứng có trước và sinh ra gà. Cách lý luận như vậy, Kant gọi là “trùng phức luận vớ vẫn”.

Triết lý gà và trứng chỉ là thế.

Xem thêm: tranh vẽ người phụ nữ việt nam mặc áo dài


 http://khoahoc.tv/da-p-a-n-cu-a-ca-c-nha-khoa-ho-c-ga-co-truo-c-tru-ng-28608

 Kinh Đại Bát Niết-bàn tập I. Phẩm Thánh Hạnh. Chuyện Phật kể trong kinh Đại Bát Niết-bàn, hiển thị về tính Duyên khởi đối đãi của các pháp ở thế giới Ta-bà này.

 Immanuel Kant, được xem là một trong những triết gia quan trọng nhất của nước Đức. Ông cũng được coi là một trong những triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến và của nhiều lĩnh vực nhân văn khác.