Tìm Hiểu Về Chùa Hoằng Pháp Tp Hcm, Chốn Tâm Linh An Nhiên Thanh Tịnh Tâm Hồn

Chùa Hoằng Pháp không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn đẹp về đạo hạnh của vị Tổ khai sơn. Chùa tọa lạc trên khu đất diện tích 06 ha, tại Thành Ông Năm, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
Chùa Hoằng Pháp do cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập năm 1957. Nơi đây xưa kia là một cánh rừng chồi. Sau hai năm khai phá, năm 1959 Hòa thượng mới bắt đầu xây dựng bằng gạch đinh,hai tầng mái ngói, mặt chùa xoay về hướng Tây Bắc. Do đức độ cao dày của Hòa Thượng, Phật tử các nơi quy tụ về quy y ngày một nhiều. Để có đủ chỗ lễ bái,thuyết giảng , năm 1971, Hòa thượng xây nối thêm mặt tiền chánh điện dài 28m, tường xây bằng gạch block, mái lợp tole cement.
Ngoài việc tu hành, tiếp Tăng độ chúng, hoằng truyền Phật pháp, xây dựng ngôi Tam Bảo, Hòa Thượng luôn quan tâm đến người hoạn nạn. Năm 1965, trước cảnh màn trời chiếu đất của đồng bào bị chiến tranh tàn phá tại Đồng Xoài, Thuận Lợi, Hòa Thượng đã đón nhận 60 gia đình gồm 261 nhân khẩu về chùa nuôi dưỡng trong 8 tháng, sau đó mua đất xây cất 55 căn nhà cho đồng bào định cư.
Năm 1968, do chiến tranh những trẻ thơ mất cha lạc mẹ không nơi nương tựa hoặc nghèo đói thất học ngày càng nhiều, Hòa thượng lại thành lập viện Dục Anh, tiếp nhận 365 em từ 06 đến 10 tuổi về nuôi dạy. Năm 1974, với dự định mở làng cô nhi tiếp nhận thêm hàng ngàn trẻ thơ bất hạnh và thành lập đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, Hòa Thượng đã mua 45 mẫu đất tại ấp Phú Đức, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh. Công việc khai hoang đắp đường đang tiến hành thì tháng 4/1975đất nước thống nhất, Hòa thượng đã hiến số đất đó cho Ban Quản trị khu Kinh tế mới Lê Minh Xuân.
Sau khi đất nước thống nhất, số trẻ em được thân nhân nhận về, viện Dục Anh giải tán, Hòa thượng lại tiếp tục hạnh nguyện từ bi cứu khổ nhận nuôi dưỡng các cụ già neo đơn hoặc vì gia cảnh khó khăn. Năm 1988, Hòa thượng an nhiên thị tịch lúc 13g30 ngày 16 tháng 10 năm Mậu Thìn tại chùa Hoằng Pháp, trụ thế 88 năm, 65 tuổi đạo.
Kế tục sự nghiệp tại chùa Hoằng Pháp là TT. Thích Chân Tính, đệ tử của Hòa thượng. Quan tâm đến việc hoằng truyền chánh pháp tại bản tự,Thượng tọađã thành lậpmột Ban Hộ tự tại địa phương vàmười chúng ở các nơi với hơn 1.000 Phật tử. Hằng tháng vào những đêm sám hối 14 và 30,Thượng tọađều thuyết giảng phật pháp cho Phật tử tại địa phương. Riêng 10 chúng ở các nơi về chùa sinh hoạt, tu học vào lúc 08 giờ sáng những ngày 15-1, 15-4, 15-7 âm lịch. Thượng tọacũng cưu mang nuôi dưỡng hơn 50 cụ già neo đơn, hoặc hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt Thượng tọa rất quan tâm đến các em GĐPT, hiện có hơn 100 em đoàn sinh tu học hàng tuần tại chùa. Ngoài việc hướng dẫn Phật pháp cho các em GĐPT, Thượng tọacòn quan tâm đến tương lai nghề nghiệp của các em. Thượng tọađã trang bị 05 máy vi tính và đàn Organ. 01 trống điện để mở lớp dạy vi tính và đàn hoàn toàn miễn phí cho các em theo học tại chùa.
Hai bên bậc cấp dẫn lên thềm tiền đình chánh điện là hai con sư tử lớn bằng cement. Hai bên cửa chánh điện là hai bức phù điêu khắc tượng thần Kim Cang với vẻ mặt cương nghị, thân hình mang dáng đẹp khỏe mạnh của người lực sĩ. Nội điện gồm tiền Phật hậu Tổ. Tiền điện thờ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ngự trên tòa sen trong tư thế thiền định, chiều cao khoảng 4,50m. Phía trên chung quanh vách tường là 07 bức phù điêu bằng cement chạm khắc hình ảnh cuộc đời đức Phật từ lúc xuất gia cho đến khi nhập niết bàn. Phía trên và dưới bức phù điêu đối diện với tượng Phật là hai hàng chữ “Phật Nhật Tăng Huy - Pháp Luân Thường Chuyển”. Trước án thờ là bao lam bằng gỗ điêu khắc hình “cửu long chầu nguyệt”. Phía trên bao lam là ba cuốn thư cũng bằng gỗ khắc chữ Hán; cuốn ở giữa đề THIÊN NHƠN SƯ, hai cuốn hai bên đề chữ TỪ BI và TRÍ TUỆ.
Hậu Tổ thờ cố Hòa Thượng Ngộ Chân Tử, Tổ khai sơn chùa Hoằng Pháp. Và trên tường là hai bức phù điêu miêu tả cuộc đời hành đạo của Ngài. Hai bên tả hữu là bàn thờ chư hương linh.
Đối diện với chánh điện là tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tọa thiền dưới gốc cây Bồ đề. Phía trước cây Bồ đề là cổng tam quan mới đựơc xây dựng vào tháng 6/1999. Từ ngoài nhìn vào cổng tam quan, cổng chính đề chữ CHÙA HOẰNG PHÁP, hai cổng phụ bên trái đề chữ TỪ BI, bên phải đề chữ TRÍ TUỆ. Dọc theo hai cột của cổng chính có hai câu đối: