Chùa Dạm Bắc Ninh Tại Bắc Ninh, Phục Dựng Chùa Dạm

Chùa Dạm là ngôi chùa cổ nằm trên núi Dạm thuộc địa phận xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương (nay là xã Nam Sơn, huyện Quế Võ), tỉnh Bắc Ninh. Chùa có nhiều tên gọi: Chùa Dạm, Lãm Sơn, “Cảnh Long Đồng Khánh”, “Thần Quang tự” hay còn gọi là chùa Bà Tấm. Đây là trung tâm Phật giáo lớn và cũng là một trung tâm của thần thoại, cổ tích, dân ca và lễ nghi tín ngưỡng.

“Ai về thăm đất quê em Mà lên núi Dạm xem tiên đánh cờ” (Ca dao) Núi Dạm còn gọi là Đại Lãm Sơn, cùng một hệ với các núi bên vùng Tiên Du và ở vào đoạn cuối dãy. Trên đỉnh núi Dạm có “Bàn cờ tiên” bị lật ngược, dấu tích trừng phạt của Thiên cung đối với các nàng tiên mải mê nơi hạ giới. Giờ đây, trèo lên đỉnh núi, dù không được gặp Tiên nhưng phóng xa tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh vùng đất nơi đây cũng chẳng khác nào là nơi tiên cảnh. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này mà theo cách gọi của dân gian là đất tứ linh; Rồng uốn lượn một dải từ Sơn Dương, Tự, Trung và Triều Thôn; Phượng đậu ở Sơn Đông và Đa Cấu; Lân đứng ở Sơn Nam và Đông Dương; Rùa ngoi đầu lên từ đồng ruộng nằm cạnh Nga Hoàng. Từ xưa ở đây có tiếng là nơi danh lam thắng cảnh, có suối chảy vòng quanh núi, cây cối xum xuê cả vùng như một bức tranh vẽ, rất nhiều thi nhân đã về đây ca ngợi đề thơ.

Bạn đang xem: Chùa Dạm Bắc Ninh Tại Bắc Ninh, Phục Dựng Chùa Dạm

Xem thêm: mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

*

Chùa Dạm - Hạng mục chùa chính mới được phục dựng. Ảnh: V.T

Theo sử sách và truyền tích thì sự ra đời của ngôi chùa này gắn liền với công khởi xướng của bà Nguyên Phi Ỷ Lan (còn gọi là bà Tấm), vợ Vua Lý Thánh Tông. Các sách “Việt sử lược, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí” đều chép thống nhất rằng: Năm Quảng Hựu thứ nhất (1085) Thái hậu Ỷ Lan đi chơi, thấy nơi đây có núi sông cảnh đẹp và có ý muốn xây dựng tháp ở đó. Đến năm Quảng Hựu thứ 2 (1086), vua Lý Nhân Tông cho xây dựng chùa trên núi Đại Lãm. Chùa được triều đình nhà Lý cho xây dựng với quy mô hơn 8.000m2 trong suốt 8 năm liền. Suốt quá trình xây dựng chùa, Vua Lý Nhân Tông rất mực quan tâm, đích thân lui tới thăm Lãm Sơn. Năm 1087 Vua ngự ra Lãm Sơn, ban đêm Vua đãi yến quần thần trên núi, làm hai bài thơ Lãm Sơn dạ yến (tiệc yến ban đêm ở Lãm Sơn), viết lưu lại ở đó. Sách Việt sử lược đời Trần chép: “Năm Giáp Tuất (1094), hiệu Hội Phong thứ 3, tháng 9 chùa Lãm Sơn xây xong, Vua ban tên chùa là “Cảnh Long Đồng Khánh”. Vua thân đề biển bằng chữ triện”. Đến năm 1105 lại cho xây dựng 3 cây tháp đá ở chùa Đại Lãm. Việc xây dựng có quy mô đồ sộ biểu hiện lòng tự tin đối với cơ đồ độc lập của Nhà nước, mặt khác thể hiện sự đề cao Phật giáo và nhà Vua. Chùa Dạm sau khi xây dựng hoàn chỉnh đã trở thành đại danh lam khiến Vua Trần Nhân Tông khi ngự ở đây cũng phải thán phục qua bài thơ “Đại Lãm Thần quang tự”. Nguyên bản chùa Dạm xưa có tới 100 gian và là nơi Nguyên Phi Ỷ Lan về tu hành vào lúc cuối đời. Sử sách ghi lại, chùa Dạm có quy mô kiến trúc to lớn, với 4 lớp nền giật cấp bám lấy độ cao của núi Dạm. Các lớp nền đều được kè đá tảng lớn để chống xói lở. Các vách đá của các lớp nền cao từ 5-6m, mỗi viên đá rộng 0,50-0,60m. Nối các tầng nền với nhau là các bậc thềm lát đá. Trên các tầng nền hiện còn dấu tích gạch ngói thời Lý có hoa văn hình rồng, phượng, sen dây, cúc dây; những chân cột bằng đá (0,75m x 0,75m) chạm nổi những cánh sen rất nghệ thuật. Tại tầng nền thứ hai từ dưới lên (khoảng giữa cửa chùa) có 2 khối đất hình nấm nằm đối diện nhau, đều được kè đá chạm hoa văn hình sóng nước nhô cao (thủy ba). Dân gian lưu truyền rằng, ngôi chùa lớn đến mức, cứ sau ngày rằm hàng tháng người ta mới đóng cửa chùa, bắt đầu từ xẩm tối đến lúc trăng lên cao mới đóng hết tất cả các cửa. Huyền tích kể lại là chùa trăm gian phải cần tới bảy gia đình dưới chân núi chuyên việc đóng mở cửa chùa hàng ngày. Chùa Dạm bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp, nên ngày nay chỉ còn lại những dấu tích: các lớp nền đá nguyên gốc, cột đá chạm hình rồng, gạch ngói, đất nung có chạm rồng và một số hình tượng các con thú bằng đất nung, giếng bống, pho tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Thánh Tông… Di vật trứ danh nhất ở chùa Dạm còn lại là một cột đá cao 5m (không kể phần ngọn đã bị gãy nát), kết cấu hai phần: khối hộp vuông ở dưới gắn với lớp đá mạ và khối trụ tròn ở trên có đường kính 1,5m. Đây được xem là công trình điêu khắc kỳ vĩ với nghệ thuật chạm khắc đôi rồng đuôi giao nhau, thân uốn lượn mềm mại quanh cột, đầu rồng nghểnh cao chầu vào viên ngọc đạt đến mức độ tinh xảo. Có thể nói toàn bộ tác phẩm điêu khắc cột đá chạm rồng chùa Dạm thể hiện sức mạnh tổng hợp của vương quyền và thần quyền nhà Lý - triều đại đầu tiên đặt nền móng cho kỷ nguyên dân tộc tự chủ và hưng thịnh về mọi mặt. Hình tượng cột tròn đặt trên bệ nổi hình sóng nước còn là Linga và Yoni, hai sinh thực khí biểu tượng phồn thực trong phật giáo Ấn Độ. Đây chính là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa giữa văn hóa Chămpa và Đại Việt xưa. Và đây có lẽ cũng là ngôi chùa duy nhất ở miền Bắc có biểu tượng này. Dấu tích đặc biệt nữa là chiếc giếng cổ, gọi là giếng Bống. Tương truyền cô Tấm trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám của người Việt xưa đã nuôi cá Bống tại chiếc giếng này. Phía trước chùa có Ngòi Con Tên mà tương truyền được đào nối liền núi Đại Lãm với sông Đuống để vận chuyển vật liệu xây dựng chùa Dạm. Ngòi Con Tên còn gắn với huyền thoại là dấu tích của mũi tên của tướng quân Cao Biền từ đỉnh núi Dạm về phía nam làm đứt đầu con Rùa (núi con Rùa). Nếu bạn đến thăm tận nơi núi con Rùa vẫn còn dấu vết đá cuội và rỉ nước có màu đỏ như máu chảy từ trong núi Rùa. Nay ngòi Con Tên tuy không thông với sông Đuống nữa nhưng vẫn tạo thế núi, thế sông tuyệt mỹ cho ngôi chùa. Không để quốc đại cổ tự hùng vĩ xưa hoang hóa thành phế tích, tháng 8 năm 2015, tỉnh Bắc Ninh phối hợp các nguồn vốn xã hội hóa quyết định xây mới chùa Dạm dựa trên tinh thần đại danh thắng xưa. Hiện nay tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai dự án Bảo tồn và phục dựng chùa Dạm với diện tích 198 ha, tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nguồn vốn xã hội hóa. Tại thời điểm chúng tôi tới thăm nhiều hạng mục như ngôi chùa chính đã hoàn thành, hệ thống đường dẫn, bậc đá và các công trình phụ trợ đang được xây dựng. Riêng Ngòi Con Tên cũng được khôi phục lại để du khách có thể đến thăm chùa theo đường sông Đuống. Chỉ trong thời gian không xa, khu di tích chùa Dạm hoàn thành, sẽ cùng với chùa Hàm Long và nhiều ngôi chùa cổ của tỉnh Bắc Ninh trở thành địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.